Tình trạng cây hương thảo bị đen lá rồi sau đó chết dần chết mòn thực sự là một nỗi ám ảnh đối với người mới trồng, đến nỗi cứ mua > chết > mua > chết liên tục đến bất lực mà vẫn không hiểu lý do vì sao? Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn chấm dứt cái chuỗi đau đớn này.
Hương thảo Rosemary (Rosmarinus officinalis) là một loại cây thảo mộc có mùi hương vô cùng quyến rũ, mang lại cảm giác thư giãn và rất dễ chịu, và em nó còn rất nhiều tác dụng hữu ích khác khiến cho bất kì ai cũng muốn trồng thử. Tuy nhiên, bạn sẽ nản lòng ngay khi biết được một sự thật về cái “nết” cực kì đỏng đảnh của cô nàng, đặc biệt là khi trồng tại những nơi có khí hậu nóng như trong miền Nam.
Thật sự nhà vườn MOW cũng bao phen “mặn đắng” khi đã không tìm hiểu kỹ về đặc tình của cây, khiến cho “lứa đầu” mới nhập về bị chết hết. Do thiếu kinh nghiệm nên MOW đã đặt cây trong nhà vì sợ ra ngoài nắng thì cây sẽ bị chết do quá nóng.
Rút kinh nghiệm thì tới lần thứ hai MOW đặt cây hoàn toàn ngoài trời nhưng sau một thời gian thì cây hương thảo bị đen lá, và mình bắt đầu đếm số cây chết.
Không thể hiểu nổi! MOW quyết định lên trên các nhóm diễn đàn để tìm hiểu và hỏi những người đã có kinh nghiệm trồng. Và sau những ngày tháng “lăn lộn” tìm tòi và thử nghiệm thì kết quả cũng được như mong đợi.
MOW đã trồng thành công cây hương thảo và đúc kết được những kinh nghiệm cho riêng mình. Tính “đỏng đảnh” của cây hương thảo không phải là không có cách trị.

Hy vọng rằng bài viết chia sẽ về cách khắc phục cây hương thảo bị đen lá sẽ giúp ích cho bạn có được những trải nghiệm tốt hơn, và có thể sỡ hữu được những chậu Hương Thảo xanh mướt, tươi tốt.
I – Vì sao cây hương thảo bị đen lá?
1 – Tưới nước quá nhiều/không thoát nước
Nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng đen lá ở cây hương thảo là việc tưới nước sai cách. Thời gian đầu mới trồng mình cũng không biết điều này, tưới nước định kì mỗi ngày mặc dù là đất vẫn ẩm. Trong suy nghĩ thì cứ tưởng rằng cây hương thảo phát triển rất tốt tại những khu vực mát mẻ, nên nó sẽ cần nhiều nước để làm mát.

Nhưng không, việc tưới quá nhiều nước đã khiến cho cây hương bị đen lá ngay sau đó. Và khi bị đến mức độ này rồi thì cây sẽ rất khó để hồi phục được như ban đầu.
Qua tìm hiểu được thì mình biết được rằng cây hương thảo vốn dĩ có nguồn gốc từ vùng Địa Trung Hải, một nơi có lượng mưa trung bình tương đối ít.
Vậy mà cây hương thảo có thể sống tại khu vực thì hẳn nhiên nó có “gen” thích ứng với điều kiện khô hạn. Do đó, khi chăm sóc cây hương thảo thì ta nên cố gắng mô phỏng điều kiện sống tại “quê hương” của nó nhất.
Thế là MOW quyết định dừng tưới nước lại ngay, và chỉ tưới khi nào đất thật sự khô ráo.
Bên cạnh đó chúng ta cũng cần chú ý tới mức độ thoát nước của chậu cây. Hãy kiểm tra xem nước có thoát đi hết sau khi tưới hay không? Nếu như liên tục để tình trạng đọng nước lại trong chậu về lâu dài sẽ làm thối rễ khiến cho cây hương thảo bị đen lá.
Tóm lại, câu hương thảo không cần phải tưới nước quá nhiều, và loại cây này cũng rất nhạy cảm với nước (rễ cây dễ bị úng) nên khi tưới nước sẽ cần phải chú ý kiểm tra bầu đất đã thật sự khô ráo chưa rồi mới tưới. Cây hương thảo sẽ không bị chết khi bị thiếu nước, nhưng sẽ bị “ra đi” rất nhanh nếu bị quá nước.
Cách nhận biết:
- Khi cây bị rơi vào tình trạng bị úng nước thì trên lá bắt bắt đầu có hiện tượng bị vàng từ phía ngọn
- Sau đó lan dần ra rồi chuyển sang màu nâu đen.
- Vẫn còn một số lá vẫn còn rất tươi tốt, không bị mềm nhũn.
2 – Tình trạng bị thối rễ do vi khuẩn/nấm tấn công
Hiện tượng cây hương thảo bị đen lá cũng một phần bắt nguồn từ nguyên nhân bị thối rễ. Khi môi trường trong đất duy trì độ ẩm cao trong thời gian dài, đã tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn/nấm phát triển. Chúng nhanh chóng tấn công vào hệ thống rễ của cây khiến cho cây bị suy kiệt và chết dần.
Khác với tình trạng bị quá nước như đã nói trên, rễ bị hư hỏng là do bị vi khuẩn/nấm mốc tấn công nên cách xử lý sẽ phức tạp hơn rất nhiều. Còn tình trạng quá nước là do rễ cây gặp khó khăn trong quá trình hô hấp.
Hơn nữa, khi hệ thống rễ cây hương thảo đã bị nhiễm vi khuẩn/nấm mốc thì cũng khó xử hết được, đã phần là cây sẽ không qua khỏi.
Và nếu có may mắn chữa khỏi hẳn thì cũng rất khó để hồi phục hoặc tình trạng hồi phục phải rất lâu.
Thông thường, MOW có sử dụng một số loại thuốc đặc trị bệnh thối rễ do nấm nhưng chúng cũng không mấy hiệu quả. Vì bạn biết đấy những loại vi khuẩn/nấm mốc này nằm trong lòng đất nên rất khó có thể giải hết được.
Một số loại nấm mốc có tên là Pythium, Phytophthora, Fusarium, Rhizoctonia rất dễ phát triển trong môi trường ẩm ướt, nơi nhiệt độ thấp và chúng lây lan rất nhanh chóng.

Tin vui cho bạn là tình trạng bị thối rễ do vi khuẩn/nấm mốc tấn công không phổ biến, nó chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ mà thôi. Nếu như bạn chỉ trồng tại nhà với một vài cây thì chẳng có việc gì phải lo lắng. Tuy nhiên, tốt hơn hết là chúng ta cũng nên tìm cách phòng tránh cho tình trạng này.
Cách nhận biết:
- Khá giống với tình trạng bị quá nước, ban đầu các đầu lá sẽ chuyển sang màu vàng hoặc nâu. Tuy nhiên, chúng tiến triển nhanh hơn
- Một số lá sau đó sẽ bị quăn lại, mặc dù không bị vàng hoặc khô.
- Toàn bộ lá bắt đầu bị héo, mềm ủng và mất đi độ giòn khi sờ vào.
- Tiếp theo là tới bộ phận các nhánh cây cũng héo dần.
- Thân cây cũng bị ủng và bị đen thân dần dần.
- Khi lật cây ra xem rễ, rễ sẽ ủng, nâu hoặc đen, có thể có mùi (do bị thối).
3 – Bị vi khuẩn hoặc nấm tấn công
Không chỉ tấn công vào hệ thống rễ khiến cho cây hương thảo bị đen lá, mà trong môi trường còn có một số loại vi khuẩn/nấm gây hại khác nữa, chúng thường tấn công vào thân/lá cây hương thảo. Tỷ lệ chết cây do những loại vi khuẩn/nấm này tấn công cũng rất cao.

Thông thường bạn sẽ nhận được một số lời khuyên là nên phun sương để làm mát cho cây hương thảo vào mùa nắng nóng.
Tuy nhiên, hành động này lại vô tình là một hiểm họa khi mà nó làm tăng độ ẩm của môi trường xung quanh, và đã tạo điều kiện thuận lợi vi khuẩn/nấm sinh sôi và nảy nở.
Để xử lý những cây hương thảo bị vi khuẩn/nấm tấn công đòi hỏi bạn phải tốn rất nhiều công sức và thời gian.
Mà tỷ lệ sống xót sau khi chữa trị cho trường hợp này cũng không hề cao, và còn khiến cho cây bị suy một thời gian, thậm chí là không thể cứu chữa.
Tốt hơn hết là chúng ta nên chăm sóc cây hương thảo đúng cách, giúp phòng ngừa các trường hợp phát triển của các loại vi khuẩn/nấm làm hại cho cây.
Cách nhận biết:
- Một phần của cây đột ngột bị héo, lá chuyển vàng hoặc nâu rồi chết. Phần này có thể là một nhánh hoặc một cành nhỏ. Các phần khác vẫn khoẻ mạnh một thời gian cho đến khi bị lây và có triệu chứng như những bộ phận nhiễm nấm ban đầu
- Thân (mạch dẫn) chuyển màu nâu, đen, khi cắt ra soi thì không có dịch khuẩn.
- Hoại tử lan rộng lên và xuống thân cây. Các phần bên trên héo, gãy, chết.
- Tình trạng thân cây bị bong tróc cũng có thể xảy ra.
- Hệ thống rễ vẫn rất khỏe mạnh.
4 – Do thiếu ánh sáng
Sai lầm ngớ ngẩn tiếp theo mà MOW đã từng gặp phải là khi đặt cây hương thảo trong nơi râm mát. Cứ nghĩ rằng đây là cây ưu mát nên sẽ không chịu được ánh nắng trực tiếp. Kết quả là cây không phát triển được, lá thì bắt đầu chuyển sang màu nâu và rụng dần, nhìn thấy tình cảnh mà cảm giác cứ ngu dần đều. Lại tiếp tục chu kì mua về > chết tiếp theo.
Sự thật là cây hương thảo là giống cây ưu nắng, và nó cần thời lượng nắng trực tiếp từ 6 – 8h/ngày thì mới phát triển được. Đừng quá lo lắng khi bạn đặt cây hương thảo tại khu vực nắng gắt, nơi có nền nhiệt độ cao cũng chẳng sao. Mình đã từng đặt cây hương thảo hoàn toàn ngoài trời, tại thời điểm nắng nóng lên đến 52 oC nhưng cây vẫn tươi tốt.

Lưu ý với những cây được đưa từ khu vực mát mẻ thì sẽ cần có thời gian để thuần dưỡng trước khi đưa ra nắng hoàn toàn. Cách để thuần dưỡng cây hương thảo từ vùng lạnh cũng rất đơn giản.
Những ngày đầu thì bạn chỉ cho cây ăn nắng vào thời điểm sáng sớm, tới tầm 9 – 10h thì đưa cây vào mát. Cứ mỗi ngày bạn kéo dài thời gian này ra, tới 11h, rồi tới 11h30, và rồi 12h và 13h. Khi qua ngưỡng 13h thì có thể xem là cây đã được thuần dưỡng và có thể đặt hoàn toàn ngoài trời được rồi.
Cách nhận biết:
- Xuất hiện hiện tượng vàng lá và đen lá từ phần gốc
- Phần lá non phía trên nhạt màu dần và chuyển sang màu vàng
II – Hướng dẫn xử lý cây hương thảo bị đen lá
Khi gặp tình trạng cây hương thảo bị đen lá thì chúng ta không nên quá hoang mang, mà hãy nhìn vào tình trạng tổng thể của cây. Hãy quan sát những phần còn lại, xem sức sống của cây hương thảo đang ở mức độ nào? Nếu nhận thấy lá vẫn còn xanh, có độ giòn khi chạm vào, các nhánh cây vẫn cứng cáp thì hãy yên tâm nhé, cây hương thảo vẫn đủ khỏe mạnh. Việc của chúng ta là chờ đợi cho cây phục hồi lại bình thường.

Tùy vào mức độ nặng nhẹ hiện tại của cây hương thảo mà chúng ta sẽ có các hướng xử lý khác nhau. Nếu như cây bị tình trạng đen lá do thiếu nắng thì ta chỉ cần cắt tỉa bớt phần lá bị hư, sau đó di chuyển cây ra ngoài sáng.
Còn đối với trường hợp cây hương thảo bị quá nước thì cần điều chỉnh lại lượng nước tưới ngay. Kiểm tra lại độ thoát nước của giá thể. Sau đó, có thể đặt cây tại nơi yên tĩnh, nó sẽ tự động hồi phục lại.
Nếu như toàn bộ lá cây hương thảo có dấu hiệu bị héo dần dần, sau đó bắt đầu chuyển sang màu vàng hoặc màu đen, đặc biệt là thân nhánh bị mềm nhũn thì rất có thể cây hương thảo đang bị bệnh thối rễ do nấm hoặc vi khuẩn tấn công.
Lúc này chúng ta cần phải xử lý ngay để cứu cây kịp thời. Lưu ý rằng là khi cây đã bị bệnh thối rễ thì khả năng hồi phục sẽ rất thấp. Tùy thuộc vào thời điểm và khả năng xử lý của chúng ta tới đâu.
Bạn có thể xử lý theo các bước sau:
- Bước 1: Chúng ta dốc ngược bầu đất rồi lấy cây nhẹ nhàng ra khỏi chậu, rửa sạch phần đất với nước, sau đó kiểm tra phần rễ cây nào đã bị đen và nhũn, có mùi hôi thối.
- Bước 2: Dụng kéo đã khử trùng để loại bỏ những phần rễ bị bệnh, sau đó sử dụng bình phun xịt thuốc diệt nấm vào phần rễ trắng khỏe mạnh còn lại.
- Bước 3: Chuẩn bị hỗn hợp giá thể sạch mới (đảm bảo tiêu chí tơi xốp và sạch), sau đó thay giá thể lại cho cây. Lưu ý cần phải vệ sinh lại chậu trước khi thay giá thể lại cho cây.
- Bước 4: Cắt tỉa lại phần cành/lá đã bị hư hỏng, bị vàng héo đi nhằm giúp cây mau chóng hồi phục.
Khi cây hương thảo bị đen lá do vi khuẩn/nấm mốc biểu hiện ra ngoài, tức là chúng đã phát triển và lây lan ra khắp chậu cây, một phần rễ còn trắng khỏe không có nghĩa là nó chưa bị nấm tấn công đâu nhé. Do dó, cần phải xử lý thật kỹ các khâu để đảm bảo loại bỏ tận gốc mầm bệnh.
III – Các biện pháp phòng tránh
Vốn là một loại có nguồn gốc từ khu vực Trung Á, nơi có lượng mưa rất ít, nên để tồn tại cây hương thảo có một khả năng chịu hạn rất tốt. Thế nhưng tâm lý chung là khi thấy trời nắng gắt sẽ lo lắng cây của mình sẽ bị chết cháy, và thế rồi cứ tưới nước theo cảm tính, bất chấp việc cây có đang cần tưới thêm nước hay không?
Trên thực tế, khi bạn bỏ tưới cây hương thảo đến mức rũ lá thì cây vẫn có thể hồi phục lại được, thế nên đừng nên lo lắng thái quá, đặc biệt là khi thấy cây vẫn còn tươi tỉnh. Nếu thấy cây có bị thiếu nước thì tưới đẫm vào buổi chiều mát mẻ là cây sẽ tỉnh lại ngay.
Ngược lại, tình trạng nước quá nhiều hoặc phun sương cho cây thì sẽ không tốt chút nào. Chúng ta chỉ nên tưới khi đất khô tầm 3 cm từ bề mặt trở xuống, đã tưới là phải đẫm và tưới xong phải thoát hết nước. Bạn thấy đấy, chỉ cần tưới nước đúng cách thôi là đã giúp hạn chế tình trạng cây hương thảo bị đen lá đi rất nhiều.
Tóm lại, để cây hương thảo sống bền bỉ và ít bị đen lá thì cần chú ý tới những điều sau:
- Tưới nước: Đúng thời gian và đủ liều lượng
- Giá thể: Phải tơi xốp, thoát nước tốt.
- Môi trường: Cần phải thông thoát, có giá luồng qua, có nhiều ánh sáng.
- Bón phân: Bón xa gốc, đủ liều lượng, có điều độ.
Team MOW Garden