Cách ủ phân hữu cơ tại nhà khá sạch sẽ, mà lại đơn giản giúp mang lại giải pháp xử lý nguồn rác thải hữu cơ trong gia đình. Từ đó giúp tránh gây ra những lãng phí không đáng có, hạn chế gây ô nhiễm môi trường, và bạn cũng có được một nguồn phân bón chất lượng để cung cấp cho cây trồng trong vườn nhà mình.

Hiện nay, lượng rác thải hữu cơ trong sinh hoạt ngày nhiều, và số lượng này sẽ còn gia tăng lên nữa trong thời gian tới. Do đó, việc tận dụng được nguồn rác thải hữu cơ này sẽ là một bước tiến quan trọng để giúp bảo vệ môi trường, cũng như giúp tiết kiệm được các chi phí sinh hoạt trong mỗi gia đình.

Từ việc ủ phân hữu cơ truyền thống, với nhiều công đoạn khá phức tạp, khó có thể thực hiện tại nhà, nhất là trong những gia đình sống tại những khu đô thị.

Ngày nay nhờ được thừa hưởng thành tựu từ lĩnh vực công nghệ sinh học, chúng ta đã có thể thực hiện việc ủ phân hữu cơ tại nhà theo cách đơn giản hơn rất nhiều.

Phân hưu là một nguồn bổ sung dinh dưỡng tuyệt vời cho khu vườn của bạn. Đó là một cách đơn giản nhất để cải thiện độ mùn, bổ sung chất dinh dưỡng giúp thúc đẩy sự phát triển của cây, và làm phục hồi đất đã bị suy kiệt.

Không những thế, việc ủ phân hữu cơ có chi phí rất thấp, bảo vệ môi trường, và mang lại nhiều lợi ích lâu dài.

cách ủ phân hữu cơ tại nhà

Mặc dù trào lưu ủ phân hữu cơ từ rác hữu cơ sinh hoạt nổi lên rất nhiều, những không phải ai cũng làm thành công với nó, có rất nhiều hạn chế khó có thể bàn hết được. Đa phần là do chưa hiểu rõ bản chất việc ủ phân hữu cơ, thực hiện nhiều lần những không về hiệu quả, thậm chí còn gây thiệt hại khá nhiều.

Đây là một chủ đề được rất nhiều người quan tâm, nên MOW Garden mong muốn chia sẽ tới mọi người những kinh nghiệm mà mình đã học hỏi, đúc kết và thử nghiệm của mình. Từ đó giúp bạn tự mình thực những mẻ phân ủ hữu cơ thành công, góp phần bảo vệ môi trường của chúng ta.

I – Ủ phân hữu cơ là gì?

Ủ phân hữu cơ là một quá trình phân giải các chất hưu cơ thông qua hoạt động phân giải của các loài vi sinh vật (VSV) có trong tự nhiên, từ đó thu được sản phẩm cuối cùng là phân hưu cơ (compost). Quá trình giúp tái chế những chất tưởng chừng như “vô dụng” thành phân bón có lợi, giúp cải tạo đất trồng canh tác.

ủ phân hữu cơ

1 – Có 5 lợi ích mà phân hữu cơ mang lại

Ngày nay, xu hướng xử dụng phân hữu cơ diễn ngày càng mạnh mẽ, vì nó bền vững, tiết kiệm và là cách nhanh nhất để trả lại cho đất các chất hữu cơ, chất dinh dưỡng mà cây trồng đã lấy đi để sinh trưởng và phát triển. Có thể nói, hoạt động bón phân hữu chính là việc trả lại cho đất độ màu mỡ vốn có của nó.

  • Giúp cải thiện độ màu mỡ: với việc phân giải chất xơchất gỗ đã giúp tạo ra nhiều chất mùn cho đất.
  • Cung cấp chất dinh dưỡng: bổ sung các chất dinh dưỡng N-P-K dưới dạng hữu cơ giúp cây dễ dàng hấp thu. Tuy không nhiều như phân hóa học nhưng nó không gây hại cho đất.
  • Bổ sung nguồn VSV có lợi: nguồn VSV này giúp cải tạo đất, làm thoáng khí, phân hủy các chất hữu cơ cho cây trồng và ngăn ngừa bệnh tật có hại.
  • Tận dụng nguồn rác thải: không làm lãng phí, và tránh gây quá tải cho các khu xử lý rác hiện đăng phải căng mình gồng gánh trong các khu đô thị.
  • Bảo vệ môi trường: khi rác hữu cơ được trôn ngoài môi trường, chúng lâu phân giải hơn, và làm ô nhiễm môi trường nơi đó.

Tuy nhiên không phải nguồn rác thải hữu cơ nào cũng có thể sử dụng cho quá trình ủ phân hữu cơ. Ví dụ như cần tránh dùng cỏ dại để làm nguyên liệu, vì nó có thể làm lan truyền cỏ dại hoặc tránh một số loại lá cây đang mang mầm bệnh gây hại cho cây trồng. Vậy những nguyên liệu nào có thể dùng để ủ phân hưu cơ?

2 – Các loại nguyên liệu cho quá trình ủ phân hữu cơ

Quá trình ủ phân hữu có thành công hay không sẽ đều phụ thuộc nhiều vào tính hiệu quả hoạt động của các loài VSV có trong đống phân ủ. Do đó, điều cần thiết phải làm là giúp cho các loài VSV này luôn “sung sức” nhất có thể. Và cũng giống như chăm sóc “thú cưng”, thì “chế độ ăn uống” đóng vai trò quan trọng để cho chúng có thể phát triển khỏe mạnh.

Cụ thể, các VSV này sẽ cần tới Carbon (C) – NÂU để cung cấp năng lượng cho hoạt động và tăng trưởng, và cần tới Đạm (N) – XANH cho việc sản xuất protein hình tế bào, và sinh sôi nảy nở. Nếu thiếu thụt một tronng hai yếu tố này trong “khẩu phần ăn”, thì chúng sẽ chào thân ái, lắng xuống, và VSV sẽ chết. Đó là những phần đen đen xuất hiện ở dưới đáy.

ủ phân hữu cơ tại nhà

Nhằm giúp cho quá trình phân giải hữu cơ được suôn sẻ, hãy đảm bảo nguồn nguyên liệu có một tỷ lệ C/N nhất định và phù hợp. Vậy thì loại nguyên liệu nào giàu Carbon (C), loại nào thì giàu Đạm (N).

  • Loại giàu Carbon (C): Các vật liệu có nhiều cacbon thường là vật liệu khô, có màu nâu, chẳng hạn như mùn cưa, bìa cactông, lá khô, rơm rạ, cành cây và các vật liệu, sợi gỗ; thường có tốc độ phân huỷ chậm.
  • Loại giàu Đạm (N): thường là vật liệu có màu xanh, ẩm, chẳng hạn như trái cây, rau vụn, phân động vật và lá xanh; thường có tốc độ phân huỷ rất nhanh.

Độ ẩm của đống ủ phải được điều chỉnh để đống ủ không quá khô hoặc quá ướt. Thông thường, trong vòng 3-4 ngày sau ủ nhiệt độ đống ủ sẽ tăng lên, do đó việc tăng tốc tiến trình phân hủy tự nhiên trong các chất thải hữu cơ về cơ bản thường xuất hiện chậm và giảm dần ở trên bề mặt đất.

Nên thêm vào

  • Cỏ cắt tỉa trong vườn
  • Xác thực vật (cành, lá, quả…)
  • Rau, củ quả, trái cây
  • Đồ thừa nhà bếp
  • Bánh mì, ngũ cốc, gạo, bột mì…
  • Bã cà phê và túi trà
  • Vỏ trứng (nghiền nát)
  • Xiên tre, đũa gỗ, tăm
  • Phân động vật ăn thực vật (gà, bò, thú cưng, v.v.)
  • Các loại lông vũ, lông thú
  • Giấy báo, sản phẩm từ giấy, carton…

Không nên thêm vào

  • Cây bị bệnh và cỏ dại (có thể gây bệnh lây lan trong vườn)
  • Dầu ăn
  • Giấy bóng, giấy tạp chí (chứa hóa chất độc hại)
  • Giấy tẩy trắng, biên lai, nhãn dán (chứa các hóa chất độc hại gốc clo không nên ủ)
  • Các sản phẩm vệ sinh cá nhân, chẳng hạn như khăn giấy, băng vệ sinh (không hợp vệ sinh, có hại cho sức khỏe)
  • Thực vật được xử lý bằng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ độc hại.

II – Vai trò của vi sinh vật

Vi sinh vật (VSV) tuy chỉ là những loài vô cùng nhỏ bé, những chúng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong thống sinh thái, nhờ vào khả năng phân giải xác hưu cơ như cành khô, lá rụng và rễ chết. Quá trình này được gọi là sự “hoàn trả” dinh dưỡng từ của cây trồng cho đất.

Qua thời gian, lượng xác hữu cơ được “hoàn trả” cho đất ngày càng gia tăng, khi thời gian sinh trưởng của cây càng dài. Như vậy, rừng càng nhiều tuổi thì độ phì nhiêu tại nơi đó càng cao. Nếu như không có sự tham gia của VSV thì các chất hữu cơ này không thể chuyển hóa thành chất mùn, chất dinh dưỡng cung cấp cho cây.

vi sinh phân giải hữu cơ tự nhiên

Chúng ta có thể thấy rõ điều này ở một nền nông nghiệp thâm canh hiện đại, đã và đang khai thác quá mức độ phì của đất đai mà không tìm cách trả lại cho chúng. Càng ngày nền nông nghiệp càng giảm độ hiệu quả, chi phí thì gia tăng chóng mặt, đất đai thì càng lúc càng suy kiệt, mất nhiều thời gian để hồi phục sau này.

Một lượng lớn VSV đã “một đi không trở lại”, do con người đã quá lạm dụng phân bón hóa học, khiến cho cấu trúc của đất bị thay đổi hoàn toàn, rất dễ bị xói mòn và không còn giữ được chất dinh dưỡng.

Từ đó có thể thấy được rằng tầm quan trọng của hệ VSV trong đất quan trọng thế nào.

Các loài VSV này có khả năng phân giải chất xơ thành đường, đạm hữu cơ thành các axit amin, lân quặng thành lân dễ tiêu

Trong tự nhiên, người ta chia ra thành 2 loại vi sinh vật: VSV yếm khí (kị khí)VSV hiếu khí (thoáng khí). Tùy thuộc vào điệu kiện ủ phân (cách ủ) mà loại VSV này hoặc VSV kia sẽ hoạt động chủ yếu.

ủ phân hữu cơ

VSV yếm khí (kị khí) sẽ hoạt động và sinh sôi trong điều kiện ủ phân yếm khí, tức là không cho không khí lọt qua. Trong điều kiện này, quá trình lên men yếm khí sẽ xảy ra, và nó không hề tốt cho phân ủ hữu cơ của bạn, vì sẽ làm cho phân ủ bị khử Oxy, tạo thành khí metan (CH4) và H2S, và lượng chất Cacbon (C) trong phân ủ sẽ biến thành axit butyric qua việc lên men butyric.

Còn lượng Đạm (N) có trong phân ủ sẽ bị phân huỷ yếm khí thành Indole (CHN), gây nên mùi hôi khó chịu, thay vì được phân huỷ thoáng khí thành các Axit amin có lợi cho cây trồng. Đạm (N) cũng sẽ bị khử hình thành nên axit hữu cơ làm giảm chất lượng phân bón.

ủ phân hưu cơ bằng thùng nhựa

Do đó, trong quá trình ủ phân hữu cơ người ta thường hay đảo trộn định kì, nhằm tạo cho luồng không khí có thể vào bên trong, cung cấp khí Oxy cho VSV hiếu khí (thoáng khí) hoạt động và sinh sôi. Quá trình lên men hiếu khí có thể làm gia tăng nhiệt độ phân ủ lên đến 50 – 60oC và thậm chí lên đến 70oC. Quá trình lên men thoáng khí tạo ra các chất như glucô, cồn, axit amin và các hợp chất khác.

Như vậy, giữa hai điều ủ yếm khí và hiếu khí sẽ làm hình thành nên các hợp chất mùn khác, tạo thành hai dạng mùn gồm: dạng trung tínhdạng axit.

  • Mùn được tạo ra qua quá trình phân huỷ thoáng khí là mùn dạng trung tính, do nó hình thành thông qua việc kết hợp các ion khoáng với các hợp chất Carbon (C) – Đạm (N). Loại mùn này có hiệu quả tốt trong việc nâng cao độ màu mỡ cho đất.
  • Ngược lại, chất mùn được tạo ra từ phân ủ qua quá trình lên men yếm khí thì sẽ là mùn dạng axit, do có sự kết hợp các ion H+ với các hợp Carbon (C) – Đạm (N). Loại mùn này làm tăng độ chua cho đất, không hề tốt chút nào.

Chất lượng của phân ủ hữu cơ không đơn giản là chỉ thêm hệ vi sinh vật vào mà sẽ còn phụ thuộc vào phương pháp ủ phân của ta như thế nào. Trong môi trường tự nhiên, các hệ VSV luôn tồn tại sẵn, tuy rằng có số lượng khá ít, quá trình ủ tự nhiên thường kéo dài từ 3-6 tháng.

cách làm phân hữu cơ tại nhà trong thùng

Ngày nay, chúng ta có thể rút ngắn quá trình ủ phân hưu cơ bằng cách bổ sung các VSV đã được chọn lựa. Đây là các VSV hiếu khí. Bằng cách này, mật độ VSV có ích trong đống phân sẽ tăng lên gấp hàng trăm lần, hoạt động như “nhà máy sản xuất phân bón”.

Sử dụng các VSV được lựa chọn (VSVP.U) này, có thể rút ngắn thời gian phân giải từ 2 – 3 tháng, chất lượng phân ủ tốt hơn. Tùy thuộc vào từng loại chế phẩm có hướng dẫn sử dụng riêng. Một số loại chế phẩm dùng trong ủ phân hữu cơ được chúng tôi trình bày trong phần ủ phân có sử dụng chế phẩm sinh học.

III – Các yếu tốt ảnh hưởng tới chất lượng phân ủ hữu cơ

1 – Độ ẩm và không khí

Vi sinh vật cần có một độ ẩm nhất định để chúng hoạt động hiệu quả, nếu để độ ẩm quá khô sẽ làm giảm tốc độ quá trình phân giải chất hữu cơ. Do đó, vật liệu ủ phân hữu cơ cần được duy trì ở mức 40 – 65% trong quá trình ủ phân. Trong thực tế, nên bắt đầu đầu ủ với độ ẩm 50 60%, kết thúc ở khoảng 30%.

cách làm phân hữu cơ

Cũng không nên để độ ẩm tăng lên quá cao, cụ thể là vượt mức 65%, vì lúc này lượng không khí sẽ khó đi vào bên trong, cung cấp cho VSV hiếu khí hoạt động. Và điều này sẽ tạo điều kiện của các VSV yếm khí, không tốt cho quá trình ủ phân.

2 – Nhiệt độ

Trong quá trình phân giải, các VSV hiếu khí sẽ giải phóng năng lượng ra bên ngoài, làm gia tăng nhiệt độ trong phân ủ. Khi nhận thấy lượng nhiệt trong phân ủ tăng lên thì đó là dấu hiệu cho sự hoạt động hiệu quả của VSV hiếu khí. Lượng nhiệt lớn này giúp tiêu diệt những mầm bênh, vi sinh vật có hại, và mầm cỏ dại.

Tuy nhiên, không nên để nhiệt độ vượt qua mức 60oC, vì khi này nhiệt độ sẽ làm cho cả VSV có ích bị tiêu điệt. Nhận thấy nhiệt độ tăng quá cao thì bạn cần phải đảo trộn và tưới nước để giảm bớt lượng nhiệt.

3 – Tỷ lệ C:N trong nguyên liệu

Nguồn “thức ăn” chính của VSV là Cacbon (C)Đạm (N), khi có sự thiếu hụt của một trong hai thì số lượng VSV sẽ bị giảm sút hoặc kém hoạt động, dẫn tới thời gian phân giải kéo dài ra. Như vậy, tỷ lệ giữa Carbon và Đạm (tỷ lệ C:N) có trong chất hữu cơ sẽ phản ánh tốc độ phân giải chất hữu cơ của một quá trình.

Ví dụ, khi tỉ lệ C:N quá cao sẽ dẫn tới lượng Đạm (N) bị thiếu hụt, số lượng VSV phát triển chậm, do không có đủ nguyên liệu cho chúng sinh sôi trong quá trình phân giải. Ngoài ra, phân bón hữu cơ có tỷ lệ C:N quá cao sẽ làm mất đi lượng Đạm (N) trong đất do phải cung cấp cho quá trình hoạt động của VSV. (thiếu N – thừa C)

Ngược lại, khi tỉ lệ C:N quá thấp thì lượng Carbon (C) bị thiếu hụt, sẽ không có đủ năng lượng để cung cấp cho các hoạt động của VSV. Việc sử dụng Đạm (N) quá mức, khiến lượng Đạm (N) dư thừa này có thể bị mất vào khí quyển dưới dạng Amoniac (NH3) hoặc nito oxi (NOx), gây ra mùi hôi khó chịu. (thiếu C – thừa N)

Cả hai trường hợp quá cao hoặc quá thấp cũng đều làm cho quá trình phân giải chất hữu cơ diễn ra chậm hơn. Tỷ lệ C:N đẹp nhất được khuyến cáo nên sử dụng là từ 25:1 30:1, không nên để tỷ lệ này vượt hơn mức 40:1, và ở dưới mức 20:1.

4 – Kích thước nguyên liệu

Kích thước nguyên liệu của phân ủ hữu cơ càng nhỏ, bề mặt tiếp xúc với VSV càng tăng, tốc độ phân giải càng nhanh. Cũng giống như quá trình tiêu quá, khi ta nhai kỹ lượng thức ăn thì quá trình lên men trong dạ dày sẽ lên diễn ra nhanh và hiệu quả hơn,và tốt cho hệ tiêu hóa hơn.

Do đó, trước khi ủ phân ta nên cắt nhỏ (quá trình nhai) nguyên liệu trước khi đem đi ủ phân (quá trình tiêu hóa). Tuy nhiên, không nên để nguyên quá nhuyễn vì sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình lên men hiếu khí, do không khí sẽ khó lọt vào bên trong được.

IV – Một số phương pháp ủ phân hữu cơ

1 – Phương pháp ủ nóng

Ủ nóng là phương pháp hoạt động dựa trên quá trình lên men hiếu khí, có sự tham gia của Oxy (O2) cung cấp các VSV hiếu khí hoạt động. Chính vì có sự hoạt động của VSV hiếu khí làm gia tăng nhiệt độ của phân ủ nên phương pháp này được gọi là ủ nóng.

phương pháp ủ nóng

Phân hữu cơ được sản xuất theo phương pháp ủ nóng có thể giúp tiêu diệt những tác nhân gây bệnh và hạt cỏ dại. Toàn bộ các loại phân động vật đều phải được ủ nóng để đảm bảo sạch bệnh trước khi sử dụng. Tuy nhiên, phương pháp này lại có thể làm mất đi nhiều Đạm (N) hơn so với ủ nguội.

2 – Phương pháp ủ nguội

Ngược lại, phương pháp ủ nguội lại hoạt động dựa trên quá trình lên men yếm khí, làm hạn chế lượng Oxy (O2) xâm nhận vào trong phân ủ, tạo điều kiện cho những VSV yếm khí hoạt động. Các VSV yếm khí không làm sinh ra nhiệt trong quá trình phân giải, nên nhiệt độ thường chỉ rơi vào 25 – 32oC. Vì nhiệt thấp nên người ta gọi đây là ủ nguội.

Trong điều kiện yếm khí sẽ không làm mất đi lượng Đạm vì không sinh ra khí Amoniac. Điều này giúp cho lượng Đạm của ủ nguội tốt hơn. Ủ nguội mất nhiều thời gian hơn ủ nóng, thời gian trên phải trên 6 tháng.

3 – Phương pháp ủ kết hợp

Dù là ủ nóng hay ủ nguội thì đều có ưu và nhược điểm riêng. Phương pháp ủ nóng có thời gian ủ nhanh hơn, chỉ tốn 2 tháng, còn ủ nguội thì lại tốn tới 6 tháng. Do đó, phương pháp ủ nguội không được áp dụng nhiều vì nó không đáp ứng được nhu cầu sử dụng ngay. Tuy nhiên, ủ nguội vẫn có một số ưu điểm riêng của nó.

Bằng việc kết giữa phương pháp ủ nóngủ nguội cho một mẻ phân hữu cơ sẽ giúp tận dụng những ưu điểm của từng phương pháp. Có thể áp dụng ủ nóng trước rồi ủ nguội sau, hoặc ủ nguội trước rồi ủ nóng sau.

4 – Phương pháp ủ công nghệ sinh học

Từ xưa, người nông dân đã biết cách ủ phân hưu cơ bằng việc tận dụng nguồn VSV bản địa có sẵn trong môi trường để ủ các loại phân chuồng, phân bắc, rơm rạ… Tuy nhiên, vì số lượng VSV trong tự nhiên khá ít nên thời gian diễn ra rất lâu. Ngày nay, nhờ có sự bổ sung các loại VSV có lợi đã giúp cho quá trình ủ diễn ra nhanh hơn, và cũng tiệt kiệm, sạch sẽ hơn.

chế phẩm vi sinh EM

Thực chất thì phương pháp ủ theo công nghệ sinh học về nguyên lý hoàn toàn tương tự so với phương pháp ủ truyền thống. Chỉ khác là có sự bổ sung nguồn VSV trong quá trình ủ, thông qua những chế phẩm sinh học. Tuy nhiên, mỗi loại chế phẩm có một đặc điểm riêng, nên cần phương thức ủ sẽ có phần khác nhau.

V – Một số loại chế phẩm sinh học

1 – Chế phẩm EM

EM (Effective Microorganisms) là cụm từ để chỉ một loại chế phẩm sinh học có chứa những loại vi sinh vật hữu hiệu. Trong đó có cả VSV yếm khíVSV hiếu khí, chúng thuộc các nhóm: vi khuẩn quang hợp, vi khuẩn lactic, nấm men, nấm mốcxạ khuẩn. Chế phẩm EM được một GS.TS người Nhật có tên là Teruo Higa sáng tạo và ứng dụng lần đầu vào năm 1980.

Chế phẩn EM được GS.TS Teruo Higa tuyển chọn ra 80 loài vi sinh vật từ trong hơn 2000 loài VSV được sử dụng trong công nghệ thực phẩm và công nghệ lên men. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng chế phẩm EM có tác dụng tốt trên các loại cây trồng. Sau đó, chế phẩm EM được thực nghiệm mở rộng trên nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

vi sinh khuẩn hữu ích

Trong nông nghiệp, chế phẩm EM được sử dụng nhằm tác động đến các giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây trồng theo hướng tích cực. Chế phẩm EM có tác dụng kích thích sinh trưởng, làm tăng năng suất và chất lượng cây trồng, cải tạo chất lượng đất. Cụ thể là:

  • Làm tăng sức sống cho cây trồng, tăng khả năng chịu hạn, chịu úng và chịu nhiệt
  • Kích thích sự nảy mầm, ra hoa, kết quả và làm chín (đẩy mạnh quá trình đường hoá)
  • Tăng cường khả năng quang hợp của cây trồng
  • Tăng cường khả năng hấp thụ và hiệu suất sử dụng các chất dinh dưỡng
  • Cải thiện môi trường đất, làm cho đất trở nên tơi xốp, phì nhiêu
  • Hạn chế sự phát triển của cỏ dại và sâu bệnh
  • Giảm mùi hôi thối, khử trùng và phòng ngừa dịch bệnh
  • Thúc đẩy quá trình phân giải chất hữu cơ

Ngoài ra, chế phẩm EM được sử dụng để khắc phục những hậu quả sau thiên tai, lũ lụt trên diện rộng. Nó có tác dụng khử mùi và làm sạch môi trường, làm sạch nước, tiêu hủy xác động vật, gia súc chết trong lũ với chi phí thấp, hiệu quả cao, và thân thiện với môi trường, nhưng lại rất an toàn với môi trường và con người.

2 – Chế phẩm EMIC

EMIC là một dòng chế phẩm sinh học EM được nghiên cứu và phát triển bởi công ty CP công nghệ và sinh học. Trong hệ vi sinh này có chứa những chủng VSV hữu hiệu đã được tuyển chọn, thuộc các chi Bacillus, Lactobacillus, Streptomyces, Saccharomyces, giúp cho dòng chế phẩm EMIC này có khả năng phân giải mạnh mẽ những nguyên liệu có chứa các loại tinh bột, cellulose, protein, glucid, lipit,…

Bên cạnh đó, chế phẩm EMIC còn có tác dụng tiêu diệt các VSV gây thối, gồm những loài VSV sinh ra khí có mùi hôi H2S, SO2, NH3,… giúp làm giảm tối đa mùi hôi thối trong chất thải. Do đó, loại chế phẩm này được ưa chuộng dùng để ủ rác thải hưu cơ sinh hoạt trong gia đình thành phân bón hữu cơ cho cây trồng.

che pham EMIC

Ngoài ra, chế phẩm EMIC còn được sử dụng để xử lý phế thải nông nghiệp, mùn bã hữu cơ, phân chuồngxử lý môi trường, nước thải, bể phốt, hầm thải… Việc sử dụng chế phẩm EMIC giúp tiết kiệm từ 30 – 50% chi phí so với sử dụng phân bón hoá học.

3 – Chế phẩm EMUNIV

EMUNIV cũng là một trong những dòng chế phẩ EM, bao gồm những chủng VSV hữu hiệu được tuyển chọn. Trong chế phẩm EMUNIV có chứa những chủng VSV như:

  • Bacillus subtilisBacillus licheniformis: với khả năng sinh ra các enzyme cellulase, amylase, protease để phân giải các chất hữu cơ chứa cellulose, tinh bộtprotein. (dùng để ủ rác hưu trong sinh hoạt gia đình rất tốt)
  • Lactobacillus plantarumLactobacillus acidophilus có khả năng sinh ra axit lacticbateniocin, và cạnh tranh sinh trưởng với các vi sinh vật có hại khác. (triệt tiêu những VSV có hại)
  • Streptomyces sp, giúp sinh chất kháng sinh tự nhiên chống nấm bệnh.
  • Saccharomyces cerevisiae, sinh etanol cung cấp nguồn cacbon cho các vi sinh vật.
  • Bacillus megaterium phân giải Lân (P) khó tan thành lân dễ tiêu.

Các chủng VSV có trong chế phẩm đều thuộc loại rất an toàn, không ảnh hưởng tới sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, và các VSV có lợi trong đất và không tác động xấu đến môi trường. Công dụng của chế phẩm EMUNIV là:

  • Phân giải nhanh các chất hữu cơ, tạo các chất vô cơ cung cấp cho cây trồng.
  • Chuyển hóa Lân khó tiêu thành dạng dễ tiêu mà cây trồng có thể hấp thụ được.
  • Ức chế sinh trưởng các vi sinh vật phát sinh mùi hôi, giúp làm giảm đáng kể mùi hôi thối.
  • Sinh chất kháng sinh tự nhiên ức chế nhiều loại vi sinh vật gây hại.
  • Sinh chất kích thích tăng trưởng thực vật, ví dụ axit indolacetic giúp cây sinh trưởng nhanh hơn.

4 – Chế Phẩm BIO-EM

Chế phẩm BIO-EM được sử dụng để thúc đẩy quá trình phân giải phân gia súc, gia cầm, rác thải, phế thải nông nghiệp, và các chất thải hữu cơ trong nước thải, làm giảm tải COD, BOD5, TSS… Làm mất mùi hôi của phân chuồng và ức chế sinh trưởng các vi sinh vật gây thối, mang lại hiệu quả khử mùi hôi thối rất tốt.

Ngoài ra, chế phẩm BIO-EM còn mang những dòng vi sinh giúp chuyển hóa phân lân (P) khó tiêu thành dạng dễ tiêu, giúp cho cây trồng dễ dàng hấp thu và phát triển hệ rễ hơn. Một số dòng VSV có trong BIO-EM còn có khả năng tạo chất kháng sinh để tiêu diệt một số vi sinh vật gây bệnh cho cây trồng.

5 – Chế phẩm Trichoderma

Trichoderma là một dòng nấm đối kháng hữu ích đối với cây trồng, chúng xuất hiện tại khắp mọi nơi, phổ biến trong những khu rừng nhiệt đới, xung quanh rễ cây, trong lòng đất, trên xác sinh vật đã chết, thực phẩm bị chua, ngũ cốc, lá cây hay ký sinh trên những loại nấm. Trichoderma không sống nội sinh trong thực vật nên không làm hại tới cây trồng.

Hoạt động đối kháng của Trichoderma chỉ mang tính phòng ngừa là chủ yếu, do chỉ hoạt động xung quanh bộ rễ cây, nên Trichoderma cần phải tiêu diệt các loại nấm bệnh trước khi để chúng xâm nhập vào cây trồng. Có thể xem Trichoderma giống như những “chàng vệ sĩ” giúp bảo vệ vùng rễ khỏi sự xâm nhập của nấm bệnh.

nấm đối kháng trichoderma

Trong quá trình ủ phân, Trichoderma được thêm vào nhằm gia tăng hiệu quả tiêu diệt các mầm bênh gây hại cho cây trồng. Bên cạnh đó, chúng còn có khả năng tổng hợp hệ enzyme cellulase có hoạt tính cao, được ứng dụng để ủ hoai các phế phụ liệu giàu cellulose, giúp làm giảm mùi hôi hiệu quả và thúc đẩy quá trình hoai mục.

Theo khuyến cao, thì nấm đối kháng Trichoderma chỉ đảm bảo hiệu quả trong vòng 6 tháng, do có sự suy giảm mạnh về mặt số lượng sau đó, nên chúng ta sẽ cần phải bổ sung định kì nhằm duy trì “hệ thống phòng ngự” được hiểu quả như ban đầu.

VI – Cách ủ phân hữu cơ tại nhà không mùi hôi

1 – Cách ủ phân hữu cơ trong thùng xốp

Cần chuẩn bị:

  • 1 thùng thùng xốp (~ 20 lít)
  • 10 lít nước (để qua này cho hết clo)
  • 1 kg đường phên hoặc đường ăn
  • ½ gói emzeo
  • ½ gói emic
  • 3 kg rác hữu cơ nguyên liệu

Cách thực hiện:

  • Bước 1: Cho lần lượt 3kg rác nguyên liệu + 10 lít nước + 1 g đường + 1/2 gói emzeo + 1/2 gói emic vào trong thùng xốp.
  • Bước 2: Đậy nắp lại lại và phủ lớp bọc đen
  • Bước 3: Ủ nơi mát mẻ trong ít nhất hai tuần. Mẻ phân hữu cơ được ủ thành công sẽ có lớp váng vi sinh bên trên.
u phan huu co vi sinh

Hướng dẫn sử dụng:

Pha loãng dung dịch theo công thức: lấy 30 – 60ml dung dịch pha với 10 lít nước. Sử dụng tưới gốc hoặc lên lá từ 2 – 3 lần/tuần, có tăng lên nếu nhận thấy cây có hiện tượng vàng lá, còi cọc.

2 – Cách ủ phân hữu cơ công thức số 2

Cần chuẩn bị:

  • 3 kg xác bã thực vật, phân chuồng, than bùn, rác…
  • 1 kg Trichoderma
  • thùng phuy 200 lít
  • 500ml Amino

Các loại xác bã thực vật, phân chuồng, than bùn, rác… Cho 1kg Tricho vào phuy 200 lít nước, khuấy đều cho thêm vào 1 chai aminô 0,5 lít để bổ sung thức ăn cho men. Một phuy sử dụng đủ để ủ cho khoảng 4 khối chất ủ, trước khi sử dụng khuấy đảo đều nước men.

Cách thực hiện:

  • Bước 1: Cho lần lượt 3kg rác nguyên liệu + 10 lít nước + 1 g đường + 1/2 gói emzeo + 1/2 gói emic vào trong thùng xốp.Bước 2: Đậy nắp lại lại và phủ lớp bọc đen Bước 3: Ủ nơi mát mẻ trong ít nhất hai tuần. Mẻ phân hữu cơ được ủ thành công sẽ có lớp váng vi sinh bên trên.
  • Hướng dẫn sử dụng:

    Pha loãng dung dịch theo công thức: lấy 30 – 60ml dung dịch pha với 10 lít nước. Sử dụng tưới gốc hoặc lên lá từ 2 – 3 lần/tuần, có tăng lên nếu nhận thấy cây có hiện tượng vàng lá, còi cọc.

    MOW Garden Tean

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *